Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Hội thảo quan hệ PR và báo chí (4/2/2010)


Đặt vấn đề


Quan hệ công chúng (PR) vẫn còn rất non trẻ ở Việt Nam, mặc dù đang được coi là ngành dịch vụ đang được quan tâm, và trở thành hoạt động marketing mũi nhọn trong chiến lược phát triển của nhiều công ty, tổ chức và cá nhân. Mặt khác, sự phát triển thiếu đồng bộ và tự phát của quan hệ công chúng ở Việt Nam đang khiến cho một bộ phận lớn các đối tượng của quan hệ công chúng chưa thực sự hiểu rõ bản chất của ngành nghề này, dẫn tới những hướng xử lý lệch lạc, thậm chí trái ngược, gây hiểu lầm hoặc phản ứng tiêu cực.


Quan hệ báo chí là một phần quan trọng trong hoạt động PR. Về bản chất, mối quan hệ giữa người làm PR và nhà báo là quan hệ win-win, đôi bên cùng có lợi. Người làm PR là nguồn tin, là người cung cấp tài liệu, thông tin cho báo chí. Còn nhà báo là người khai thác các thông tin được cung cấp để chuyển tải cho bạn đọc, cho người xem truyền hình, đối tượng truyền thông của mình.


Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ giữa báo chí và người làm PR tại Việt Nam đang diễn biến theo hai chiều hướng trái ngược. Xu hướng thứ nhất, nhiều nhà báo đánh đồng PR với quảng cáo, coi người làm PR là những kẻ lũng đoạn, thao túng thông tin, hoặc cung cấp những thông tin vượt quá sự thật, nhằm có lợi cho khách hàng của mình. Xu hướng thứ hai, một số phóng viên khác lại coi PR là nguồn lợi kinh tế, là cơ hội tăng thêm thu nhập từ việc viết bài quảng cáo cho các doanh nghiệp.


Về phía những người làm PR, tương tự như vậy, có xu thế tìm cách mua chuộc các nhà báo, bằng hình thức này hay hình thức khác, biến một bộ phận các phóng viên, biên tập thành công cụ viết bài, quảng bá làm lợi cho mình hoặc doanh nghiệp, đơn vị mình đại diện.


Vô hình trung, người ta đang lập một giới tuyến giữa người làm báo và làm PR. Những người làm báo “chân chính” tự coi đối địch với giới PR, xa lánh, bất hợp tác. Còn các nhà PR thì lại tìm kiếm những nhà báo dễ tính, dễ chi phối để hợp tác, mà lẩn tránh nhiệm vụ cốt lõi là cung cấp cho báo chí những thông tin trung thực, mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp và cộng đồng.


Đã đến lúc các nhà quản lý báo chí, lãnh đạo báo giới và các nhà báo cần hiểu rõ vai trò của PR, nhiệm vụ và mục đích thực sự đằng sau các hoạt động của họ, để một mặt khai thác những nguồn thông tin có ích cho công chúng, cho xã hội; mặt khác hỗ trợ một cách công bằng cho các tổ chức, doanh nghiệp những cơ hội thông tin tích cực đến với cộng đồng.


Những người làm PR cũng cần phải hiểu một cách đúng đắn hơn về vai trò của báo chí trong hoạt động PR nói chung. Từ đó, thay đổi cách nhìn nhận về mối quan hệ giữa họ và những người làm báo, góp phần tái xây dựng một môi trường hành nghề PR lành mạnh, tích cực.


Hội Báo Xuân 2010 là một cơ hội để tổ chức một hội thảo nhỏ, một cuộc đối thoại giữa những người làm báo và những người làm PR. Bên lề một sự kiện báo chí lớn, với những sản phẩm báo chí có không ít thành quả từ sự hợp tác với PR, với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, một cuộc hội thảo như vậy chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của những người trong nghề và xã hội nói chung.


Kế hoạch tổ chức


Hội thảo về quan hệ giữa PR và báo chí được tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo Xuân 2010, với các chi tiết dự kiến như sau:


Thời gian: 13h30 – 17h00 ngày 4/2/2010


Địa điểm: Nhà A6, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội


Cơ quan chỉ đạo: Ban Tổ chức Hội Báo Xuân, gồm Hội Nhà báo, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch


Cơ quan tổ chức: Hội Phát hành Báo chí Việt Nam & Công ty Le Bros


Những ai nên tham dự?


-       Lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí (Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin & Truyền thông, Sở Thông tin & Truyền thông các tỉnh thành phố)


-       Lãnh đạo các cơ quan báo chí, Ban biên tập các cơ quan báo chí


-       Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam


-       Hội Truyền thông Hà Nội


-       Nhà báo, phóng viên, biên tập viên


-       Các công ty PR


-       Các công ty quảng cáo


-       Lãnh đạo và cán bộ PR các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội


-       Người làm PR


-       Sinh viên báo chí, sinh viên các trường đào tạo quan hệ công chúng


Các nội dung chính


Vai trò của PR và báo chí trong xã hội:


- Vai trò, tác động, bản chất và chức năng truyền thông của PR. PR không phải là quảng cáo. Vai trò thông tin của PR.


- Báo chí xử lý các thông tin PR như thế nào những chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này trên 3 loại hình


Mối quan hệ giữa PR và báo chí:


- Mối quan hệ giữa PR và nhà báo: PR tiếp cận nhà báo như thế nào? PR là gì? Các nguyên tắc căn bản của mối quan hệ giữa PR và báo chí; Minh bạch thông tin, thông tin đa chiều và vai trò của PR đối với báo chí;


- Mâu thuẫn giữa 2 nghề và xu hướng hợp tác dưới góc độ của người làm PR và người làm báo; PR và báo chí phải chăng là 2 mặt đối nghịch của thông tin? Những mâu thuẫn giữa nhà báo và người làm PR; Vấn đề đạo đức trong hoạt động PR. Làm thế nào để có PR “sạch”; Quan điểm của người làm báo đối với các hoạt động PR. Xây dựng mối quan hệ với PR dưới góc nhìn của người làm báo.


Diễn giả tại Hội thảo Quan hệ PR và Báo chí bao gồm các chuyên gia gạo cội trong lĩnh vực PR: Tiến sĩ Đinh Thúy Hằng (Trưởng khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí Tuyên truyền); Nhà báo Vũ Mạnh Cường (Phó Tổng Biên tập báo Lao Động); Ông Nguyễn Thanh Sơn (Chủ tịch Ogilvy T&A); Ông Trần Vũ Hoài (Tổng Giám đốc Galaxy); Ông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Le Bros); Bà Phạm Hà (Tổng Thư ký Hội Truyền thông Hà Nội).


Ngoài ra, sẽ còn có sự góp mặt trong các diễn đàn của các chuyên gia PR khác như ông Nguyễn Đức Hùng (Giám đốc Vietgate); Bà Phan Thanh Lệ Hằng (Chủ tịch Hội Truyền thông Hà Nội); Ông Hoài Anh (Giám đốc Pioneer); và nhiều vị lãnh đạo các cơ quan báo chí.


Đây là lần đầu tiên, một hội thảo PR thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia lớn trong ngành. Vì vậy, BTC rất mong nhận được sự quan tâm tham dự của tất cả các bạn đồng nghiệp và những người quan tâm đến ngành PR.


Thời gian: 13h30 – ngày 4/2/2010


Địa điểm: Hội trường A6 – Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội


VÀO CỬA MIỄN PHÍ. FIRST COME FIRST SERVE.


Filed under: Pr Community

Xem đầy đủ bài viết tại http://vietiep.wordpress.com/2010/02/03/h%e1%bb%99i-th%e1%ba%a3o-quan-h%e1%bb%87-pr-va-bao-chi-422010/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét